Cuộc chiến chống tin giả và rối loạn thông tin đã bước vào giai đoạn "khốc liệt",Đềkhángvớitinđộchạlms.vnedu khi mà càng ngày các chiêu thức tạo ra ma trận tin giả và thông tin độc hại, lừa đảo càng tinh vi và phổ biến. Ở phía các nhà quản lý xã hội, các lực lượng về tri thức, về công nghệ, về luật pháp đều đã được huy động để ứng chiến. Nhiều quốc gia cập nhật và ban hành khung luật pháp để khống chế, kiểm soát tình trạng rối loạn thông tin. Các hãng công nghệ cũng bổ sung nhiều giải pháp tích cực để hỗ trợ người dùng cảnh giác, nhận biết và ứng phó với tin giả, thông tin độc hại, lừa đảo qua mạng. Giáo dục cũng vào cuộc, nhiều trường học bắt đầu chú trọng đến việc nâng cao nhận thức và hướng dẫn thực hành các chỉ dẫn phòng chống tin giả, rối loạn thông tin.
Nhưng những hỗ trợ đó sẽ chẳng bao giờ là đủ nếu mỗi cá nhân người dùng không nhận ra rằng nạn tin giả, thông tin độc hại, lừa đảo trên mạng giống như thể ô nhiễm môi trường không khí vậy. Bầu không khí "thông tin" mọi người đang "hít thở" mỗi ngày, rất không may, là bầu không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Và trong tình cảnh đó, câu hỏi quan trọng mà mỗi người phải tự hỏi mình, tự nhắc mình là "khẩu trang của bạn đâu rồi?".
Bạn có thể dính bẫy lừa về tiền bạc vì dại khờ, cả tin vào những chiêu trò dụ dỗ kiểu "việc nhẹ lương cao", "làm giàu không khó", "ngồi nhà bấm like, bấm share là có tiền"… Bạn có thể trở thành kẻ lố bịch, sẵn sàng "cào bàn phím chửi đời chửi người" ngay sau khi liếc mắt vào một tít bài giật gân, kích động cảm xúc cực đoan trong khi chưa hề đọc thêm một chữ nào trong nội dung bài viết. Bạn có thể bấm nút chia sẻ một tấm ảnh đã bị can thiệp chỉnh sửa theo ý đồ xấu của ai đó để vô tình tiếp tay cho một kẻ ác nào đó muốn hủy hoại cuộc đời và sự nghiệp của ai đó. Nếu cuộc đời là của người thân của bạn, là của chính bạn thì bạn có thấy đau xót không, có động lòng trắc ẩn không?
Và tệ hại hơn nữa, có thể bạn được pháp luật gọi tên chỉ vì thiếu hiểu biết và kỹ năng, vô tình can dự vào một sự vụ vi phạm pháp luật trắng trợn.
Hãy hỏi chính bạn, hỏi chính trái tim của bạn, hỏi chính khối óc của bạn, rằng bạn có thể giữ cho mình chậm lại một chút không trước khi làm điều gì đó tiếp theo sau khi tiếp nhận một tin tức, một thông tin đáng ngờ. Một đường link lạ được gửi đến, một lời đề nghị chuyển tiền, một lời hù dọa, một yêu cầu cung cấp mật khẩu OTP, và nhiều thứ tương tự thế, hoàn toàn có thể vô hại nếu như bạn chậm lại một chút thôi trước khi làm theo. Cha ông dạy "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói", còn xã hội thông tin hiện đại thì dạy bạn: chậm lại 7 giây (và nên nhiều hơn thế) trước khi tin vào một điều gì đó trên mạng.
Và một lời khuyên nữa rất đáng giá từ buổi tọa đàm "Đề kháng với thông tin độc hại, lừa đảo qua mạng" do Báo Thanh Niênphối hợp với Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) tổ chức: Hãy luôn hỏi sự tử tế trong con người bạn trước khi tin vào một điều gì đó trên mạng, để lòng tham không hãm hại bạn, để sự hồ đồ nhẫn tâm không quật ngã được bạn.